Nguyên liệu và dụng cụ cho người mới học móc thú len

Nếu bạn đang tìm hiểu về bộ môn móc thú len (amigurumi) và chưa biết phải bắt đầu từ đâu, thì hãy ghé qua những bài chia sẻ của mình nha! Hy vọng nó sẽ giúp ích được cho bạn một phần nào đó ^^ Bạn cũng có thể tìm thấy các hướng dẫn móc đơn giản (và miễn phí) cho người mới bắt đầu học móc ở blog của mình nữa đó!

Sau bài đầu tiên giới thiệu về amigurumi và cách mình tự học móc len, bài này mình sẽ nói kỹ hơn về những nguyên liệu và dụng cụ cơ bản khi móc thú len. Đây cũng là một trong những phần đầu tiên mà mình viết rất chi tiết trong mỗi cuốn sách của mình, để có thể giúp cho những người mới bắt đầu có cái nhìn tổng quan về nguyên liệu dụng cụ, và chia sẻ những tips riêng của mình khi mua/ sử dụng những sản phẩm đó. Ngoài ra các bạn có thể tìm hiểu thêm về bản quyền và tôn trọng bản quyền trong lĩnh vực đan móc của mình trong bài tiếp theo và nghe mình nói chuyện ở đây.

1. Len sợi

Hiện nay trên thị trường có rất rất nhiều các loại len sợi trên thị trường với đủ chất lượng, kích cỡ, giá thành phong phú, chính vì thế mà khi mới bắt đầu bạn sẽ không khỏi bị choáng ngợp đúng không! Mỗi loại len sợi lại có chất liệu, texture khác nhau, ta có thể tha hồ lựa chọn tuỳ vào sở thích, guu thẩm mỹ của mỗi người, để dùng cho móc thú len (phải nhồi bông ở bên trong) thì điều quan trọng nhất bạn cần chú ý đó là chọn loại len sợi KHÔNG co giãn, vì nếu sợi co giãn thì khi móc hay nhồi bông sẽ làm biến dạng hình thù của thú, lộ bông ở bên trong v.v.

Trên mác của mỗi cuộn len, ngoài thông tin về hãng len, code màu, nơi sản xuất ra thì còn có đầy đủ thông tin về chất liệu, độ dày, size kim cần sử dụng v.v… Ví dụ nha:

Scheepjes (tên hãng) Softfun (tên dòng/loại len):

  • Cuộn len này có trọng lượng 50gr, độ dài 140m.
  • Phù hợp với kim đan/ kim móc có size 3,5-4mm.
  • Loại len DK (xem bảng phân loại len sợi tiêu chuẩn)
  • Nếu dùng đúng size kim móc ở trên, thì gauche (số mũi/cm) sẽ tương ứng 30 mũi/10cm hàng dọc và 21 mũi/10cm hàng ngang. Thông tin này khá quan trọng khi bạn móc quần áo, túi xách, chăn… mà cần theo chuẩn kích cỡ. Thường thì móc thú bông sẽ không cần chú trọng đến thông tin này.
  • Các thông tin về cách bảo quản, sử dụng (giặt ở nhiệt độ 30°C, không dùng bàn là v.v…)
  • Thành phần sợi gồm 60% Cotton và 40% Acrylic

Yarn and colors (tên hãng) Must-have (tên dòng/loại len)

  • Thông tin về cách bảo quản, sử dụng
  • Trọng lượng 50 gr, độ dài 125m
  • Thành phần 100% sợi cotton
  • Loại len số 2 (xem bảng phân loại len sợi tiêu chuẩn)
  • Phù hợp với kim đan, móc 2 – 3,5mm
  • Thông tin về gauche…

Các bạn cũng có thể google để tìm đọc nhiều thông tin hơn về loại len sợi mà các bạn cần tìm hiểu.

Độ dày của loại len sợi và size kim móc sẽ ảnh hưởng đến kích cỡ của thú len: dùng sợi dày, kim móc to thì sản phẩm sẽ to hơn khi dùng sợi mỏng, kim móc nhỏ. Hai loại mình chủ yếu dùng là sport/baby weight và DK/ light worsted weight. Thực ra nếu đã móc quen rồi thì dùng len sợi nào cho mẫu móc nào cũng đều được hết, nhưng đối với các mẫu nhỏ xinh, nhiều chi tiết (búp bê, thỏ Mimi, Miti…) thì mình vẫn thích dùng sợi sport weight với kim 2,25mm, còn các mẫu đơn giản, ít phức tạp thì mình thích dùng len sợi dày hơn (DK, worsted weight) với kim 2,5 – 3mm.

Chất liệu, thành phần của len sợi cũng sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm: dùng sợi cotton 100% thì len sẽ hơi cứng, móc hơi đau tay, nhưng sản phẩm cũng sẽ đứng dáng, ít bai xù, ít gây dị ứng, sợi cotton pha 40-50% acrylic thì sẽ mềm hơn một chút, bề mặt cũng khá mịn, ngoài ra còn có các loại len bông, len xù… Mình thường dùng loại 100% cotton hoặc cotton pha để có sản phẩm trơn, nét, dùng các loại bông, xù khác khi cần làm phụ kiện, tạo texture cho sản phẩm.

Ngoài ra còn có các yếu tố màu sắc, độ bóng/ lì, mềm/ cứng của sợi… phải tận tay cầm, xem tận mắt thì mới có thể cảm nhận được. Và trải nghiệm này với mỗi người là khác nhau nên mình nghĩ cũng phải thử và tốn kha khá thời gian để tìm ra loại len sợi mà mình yêu thích nhất và phù hợp nhất với mình. Khi mới bắt đầu móc hoặc tập móc thì bạn có thể cân nhắc các tiêu chí về kích cỡ, texture của len sợi để chọn một vài cuôn thử trước khi mua với số lượng lớn.

Đối với các bạn mới bắt đầu học móc thì nên chọn len sợi sáng màu để dễ nhìn và phân biệt các mũi móc, nên chọn loại có thành phần cotton và acrylic thì sợi sẽ ít co giãn nhưng cũng không quá cứng, không bị đau tay khi móc. Chọn len cỡ vừa phải (DK hoặc worsted weight) và dùng kim móc 2,5 – 3,5mm để làm quen và tập móc các mũi mới trước khi bắt đầu với loại sợi và kim móc nhỏ hơn hoặc to hơn.

Lưu ý: nếu làm sản phẩm cho trẻ con, em bé sơ sinh thì bạn nên cân nhắc chọn loại 100% cotton để tránh gây dị ứng, có thể giặt len và phơi khô len trước khi móc (cho cuộn len vào chậu nước sau đó bóp nhẹ bằng tay, sau đó để khô tự nhiên, tránh làm rối cả cuộn len).

2. Kim móc

Khi mới học móc lần đầu tiên, mình dùng loại kim móc thân nhỏ, bằng kim loại và nhận ra nó không hề phù hợp với mình, mỗi lần móc xong cực kì đau tay! Sau đó mình đã chuyển sang kim móc Clover soft touch (phần đầu móc bằng kim loại và thân cầm bản rộng bằng nhựa) và nó giống như khai sáng cuộc đời vậy – dùng từ đó đến giờ, tới nỗi bạc cả lớp màu bên ngoài mà vẫn dùng. Vậy nên nếu bạn thấy chưa thoải mái với chiếc kim móc của mình thì đừng ngại đổi sang một loại mới nha!

Sau quá trình móc len hơn 2 năm, mình rút ra được một kinh nghiệm cá nhân là: không có kim móc “rởm” mà chỉ là mình đã tìm ra loại kim phù hợp với cách cầm kim của mình chưa mà thôi. Chiếc kim móc làm mình đau tay, có thể lại thoải mái hơn so với người khác, do chúng mình cầm kim móc theo các cách khác nhau. Nếu bạn cầm kim móc giống như cầm bút (ảnh 1) (là cách mình hay cầm – với loại size nhỏ hơn 3-4mm) thì một chiếc kim móc có phần thân nhựa bản to sẽ giúp bạn thoải mái hơn. Nếu bạn cầm kim móc giống như cầm dao (ảnh 2) (là cách mình cầm kim móc to từ 5-6mm trở lên) thì loại kim móc thân thon, nhỏ sẽ phù hợp hơn.

Khi móc thú len, ta cần phải móc chặt tay (để tránh lộ bông khi nhồi), nên chọn loại kim móc có size nhỏ hơn so với size gợi ý trên mác của len. Ví dụ ở mác của len Scheejes Soffun ghi là dùng cho kim 3,5-4mm thì bạn nên dùng kim 2,5 – 2,75mm là phù hợp. Nên chọn loại kim móc có đầu móc bằng kim loại, trơn, mịn để móc dễ dàng.

Hai chiếc kim móc mình sử dụng nhiều nhất đều là kim Clover soft touch, size 2,25mm khi dùng sợi sport/baby weight và 2,5mm khi dùng sợi DK/ light worsted weight. Nếu bạn mới học móc thú len mà chưa biết mua kim móc loại nào size nào thì cứ chọn 1 trong 2 size này nha.

3. Kim khâu len

Kim khâu len giống như là kim khâu chỉ bình thường nhưng to hơn rất nhiều – để luồn được sợi len vào kim. Kim khâu len giúp ta khâu giấu các phần sợi thừa của len vào bên trong hoặc khâu ráp các bộ phận, các phần của thú bông vào với nhau.

Mình thích loại kim bằng kim loại hơn là kim nhựa. Kim có một đầu hơi cong sẽ giúp khâu ráp dễ dàng hơn.

4. Ghim đánh dấu hàng

Móc thú bông thường sẽ móc theo vòng tròn xoắn ốc, tức là không có mũi kết mỗi hàng nên sẽ không có sự khác biệt giữa mũi cuối hàng thứ nhất và mũi đầu hàng thứ hai. Mình không có thói quen sử dụng ghim đánh dấu hàng nhưng nếu bạn mới học móc thì rất nên dùng ghim đánh dấu để không bị nhầm lẫn giữa các hàng.

Bạn có thể dùng loại kim băng nhựa chuyên đánh dấu hàng, kim băng thường, cặp tăm, ghim kẹp giấy, một sợi len để đánh dấu. Nếu phải chọn một thứ để đánh dấu hàng thì mình chọn cặp tăm nha! Cặp tăm chính là chiếc ghim đánh dấu tiện nhất luôn!

5. Bông nhồi thú

Móc thú len thì không thể thiếu được bông nhồi tạo hình cho thú rồi đúng không nào! Bạn có thể dùng các loại bông nhân tạo (polyester), bông tự nhiên,… Bạn có thể dùng các loại hạt xốp để tạo cảm giác funny khi ôm thú len.

Nếu chưa tìm mua được bông nhồi thú thì bạn có thể dùng ruột gối nha!

6. Mắt nhựa

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” không chỉ đúng với người mà còn đúng với cả thú len móc nha xD Tạo hình mắt mũi miệng sẽ giúp cho thú len của bạn xinh hơn, đáng yêu và có hồn hơn. Mình thường sử dụng mắt nhựa có gắn chốt ở phía sau – phải gắn mắt trước khi nhồi bông và khâu khép kín. Chọn loại mắt có chốt gắn chặt để đảm bảo mắt không bị rơi ra. Các bạn cũng có thể dùng keo để gắn mắt thú sau khi móc xong, nhưng mình không thích dùng keo vì keo sẽ làm cho phần len chỗ mắt bị cứng, ngoài ra mình cũng không đảm bảo là keo có gắn chặt mãi hay không.

Các bước gắn mắt nhựa có chốt.

Nếu bạn làm thú len cho em bé dưới 3 tuổi, thì tốt nhất không nên sử dụng các loại mắt nhựa, khuy nhỏ, hạt cườm… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bé. Thay vào đó các bạn có thể dùng sợi màu đen hoặc nâu thể thêu mắt.

7. Kéo

Kéo cắt len – đương nhiên là phải có rồi nhỉ 😀

8. Ghim định vị

Ghim (hay kim) này giúp ta có thể định vị các bộ phận trước khi khâu. Không nhất thiết phải có, nhưng sẽ giúp việc khâu ráp hay định hình, xác định vị trí các bộ phận dễ dàng hơn rất nhiều.

9. Phấn má hồng

Có một chút má hồng sẽ giúp các bạn thú len dễ thương hơn! Các bạn có thể dùng phấn má (đồ make up hàng ngày) hoặc dùng bút chì/ sáp màu : cạo phần chì màu thành bột rồi dùng cọ hoặc miếng giấy để đánh màu má.

10. Khuy, vải, ruy băng v.v..

Tuỳ vào từng mẫu thiết kế mà mình sử dụng thêm một chút các phụ kiện này để tạo điểm nhấn cho các bạn thú bông. Các bạn có thể lựa chọn sử dụng tuỳ theo sở thích của mình.

Không biết còn quên gì không nữa nhỉ! Bạn thích loại len sợi/ kim móc nào nhất? Đâu là vật không thể thiếu đối với bạn khi đan móc? Các bạn muốn được mình chia sẻ thêm những gì? Comment cho mình biết với nha!
Chúc các bạn lựa chọn được những nguyên liệu, dụng cụ tốt nhất và phù hợp nhất để bắt đầu một hành trình đầy thú vị ❤️

Gọi điện thoại
0359.059.928
Chat Zalo